Vị trí và kiến trúc Lầu Tứ Phương Vô Sự

Vị trí

Lầu Tứ Phương Vô Sự nằm trên nền đài Bắc Khuyết của Hoàng thành Huế, gần với cửa Hòa Bình - cửa bắc Hoàng thành. Tòa lầu cũng nằm trên trục "thần đạo" tây bắc - đông nam của Hoàng thành, nối thông các công trình quan trọng nhất Đại Nội. Trục này chạy từ Ngọ Môn qua điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung thẳng đến lầu Tứ Phương Vô Sự. Đây đều là những cung điện chỉ dành riêng cho hoàng đế và hoàng hậu nhà Nguyễn.

Kiến trúc

Đài Bắc Khuyết nằm ở chính giữa tường thành phía bắc của Hoàng thành, lồi ra phía ngoài theo hình quai vạc, bình diện hình chữ nhật có kích thước 64,6m x 28,5m, diện tích hơn 1800m²[1]. Lầu Tứ Phương Vô Sự được xây gần như hình vuông (kích thước 14m x 13m[1]), ở vị trí trung tâm của đài, diện tích mặt nền 182m²[1]. Hai bên đông và tây lầu đều có vườn hoa kiểu mới, nhưng bồn hoa vẫn đắp hình con rùa để tượng trưng cho phía bắc[1].

Lầu Tứ Phương Vô Sự gồm hai tầng, được xây theo kiến trúc thuộc địa, sản phẩm giao thoa kiến trúc Á - Âu ở Việt Nam đương thời. Nền, tường, kĩ thuật xây dựng đều mang phong cách châu Âu. Công trình xây hoàn toàn bằng gạch và xi măng, bốn mặt của hai tầng đều mở 2 cửa sổ và 1 cửa đi, tầng trên làm ban công vòng quanh, tầng dưới thì làm hàng hiên. Còn mái và họa tiết trang trí lại đậm nét kiến trúc Á Đông với hình mặt trời ở giữa, hai con rồng chầu hai bên theo kiểu hồi long trên nóc, bốn bờ quyết đắp nổi hình rồng[2].